Địa điểm: Nằm cách thành phố Phan Rang gần 10km về phía nam, ngay trên đường quốc lộ 1A, làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Sơ nét: Bàu Trúc là làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm “ấm bàn tay con người” nhất với đặc trưng riêng mang đậm nét văn hóa Chăm không lẫn với gốm nơi khác.
Làng gốm Bàu Trúc nằm cách TP. Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam.Bà con làng gốm Bàu Trúc lập đền thờ, tổ chức cúng tế long trọng nhớ ơn của tổ nghề Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm. Nhà trưng bày gốm Bàu Trúc nằm ngay giữa trung tâm làng, là điểm đến lý tưởng đối với du khách thập phương để ngắm nhìn người phụ nữ Chăm tỉ mỉ, nhịp nhàng thổi hồn vào từng thớ đất thành những sản phẩm gốm độc đáo.
Nhà trưng bày rộng rãi tọa lạc trên một khuôn viên chừng 0,3 ha. Du khách sẽ thấy thích thú trước một rừng gốm, với nhiều chủng loại khác nhau, kế đến là những tháp tượng được mô phỏng, các vũ nữ Apsara, bình, ấm nước, nồi niêu, chum vại…
Xứ Ninh Thuận có khá nhiều làng Chăm, nhưng chỉ có đất sét làng Bàu Trúc mới làm được những đồ gốm nổi tiếng. Các nghệ nhân chế tác, qua những hoa văn, họa tiết, hình thể, bố cục trên những tác phẩm như đã thổi hồn và nỗi riêng của mình vào gốm.
Để làm ra sản phẩm gốm Bàu Trúc, người ta dùng loại đất có độ dẻo cao thường được lấy từ các lớp đất nằm sâu ở triền sông Quao. Sau đó, đất được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó nhồi với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ hai đất sét một cát.“Chuẩn bị đất phải rất kỹ lưỡng, chỉ cần sót ít bụi bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt, hư hỏng ngay”, nghệ nhân gốm Bàu Trúc cho biết. Những người phụ nữ Chăm với bàn tay gầy đen, lấm lem đất, vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất sét thành những sản phẩm độc đáo.Sản phẩm gốm dù lớn hay nhỏ cũng được các nghệ nhân làm một cách tỉ mỉ, nhịp nhàng. Công đoạn chà láng gốm. Nghệ nhân dùng “vải cuộn” thấm nước, quấn vào tay chà láng thân gốm và tạo hình miệng. Hoa văn gốm Bàu Trúc chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn thực vật, vỏ sò…
Gốm nặn xong, đem phơi nơi râm mát, khi khô ráo thì dùng “vòng quơ” để tu sửa cho hoàn chỉnh. Những sản phẩm gốm đã thành hình, chỉ đợi đem nung.
Gốm Bàu Trúc sau khi đã nung. Gốm không nung bằng lò, mà chất thành từng đống, ủ rơm rạ nung thủ công, sau đó bằng cách kết hợp pha màu, ém khói khi nung, các nghệ nhân tạo ra các vết màu loang đặc sắc trên từng sản phẩm gốm như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu…
Một chuyến du hành đến miền gió cát Nam Trung Bộ, dạo chơi, tìm hiểu, quan sát nghệ thuật chế tác, làm gốm của đồng bào dân tộc Chăm làng gốm Bàu Trúc sẽ là “tour” du lịch thư giãn nhiều thú vị và bổ ích trong mùa hè của bạn.
Bài viết: Trần Hòa (tổng hợp).