Nằm trong chuỗi sự kiện “Tái hòa nhập cộng đồng – trở thành người có ích cho xã hội”, với phương châm “Cho đi những gì mình có” (Vì thứ mình không có thì lấy đâu ra mà cho), hôm nay, bạn Thảo Nguyên lại tiếp tục lọc cọc gõ về Phan Rang Ninh Thuận.
Như thường lệ, điểm xuất phát là thành phố Hồ Chí Minh nhé!
1. Di chuyển:
– Máy bay: Cách này dành cho những bạn bị ứ đọng tiền lâu ngày không biết xài vào việc gì và cực kỳ…rảnh. Bạn sẽ mua vé máy bay từ TP.HCM ra Cam Ranh, sau đó, di chuyển bằng đường bộ ngược lại về hướng TP.HCM chừng 60km là tới Phan Rang.
– Xe khách: Có rất nhiều nhà xe từ TP.HCM về Phan Rang, xuất bến ở Lê Hồng Phong hoặc (đa số là) bến xe miền Đông, giá vé từ 140-145k/người, thời gian di chuyển khoảng 8h. Bạn cũng có thể mua vé xe Phương Trang đi Nha Trang, đến ngã 5 Phủ Hà thì xuống, giá vé là 210k. https://diadiemninhthuan.vn/nha-xe-phan-rang-ninh-thuan/
– Xe lửa: hiện tại cầu Ghềnh đã thông, nên việc di chuyển bằng xe lửa cũng khá thuận tiện. Tàu sẽ dừng tại ga Tháp Chàm, thời gian di chuyển khoảng 6h, giá vé giao động từ 100k-600k tùy hạng.
– Xe máy: Với khoảng cách gần 350km, việc di chuyển bằng xe máy cũng không tốn quá nhiều thời gian. Bạn có thể đi theo hướng quốc lộ 1 hoặc chọn con đường ven biển xa hơn nhưng ít xe và cảnh cũng đẹp hơn.
– Đến Phan Rang, bạn có thể thuê xe máy (liên hệ anh Dân) để tiện đi lại, giá xe Wave là 100k/ngày, Sirius 120k/ngày, xe tay ga 150k/ngày.
2. Ăn ở:
– Trung tâm thành phố Phan Rang có nhiều nhà nghỉ, khách sạn, giá dao động từ 200k-300k/phòng. Hoặc bạn có thể chọn nhà nghỉ, khách sạn, resort ở biển Ninh Chữ, khu này thì từ giá rẻ đến phòng sang chảnh đều đủ cả. Mình ở nhà nghỉ Minh Đức ngay biển Ninh Chữ, đi bộ vài bước là ra đến biển, giá phòng khá rẻ nếu đặt trước, anh chủ khách sạn rất tốt bụng và nhiệt tình. Ngoài ra, khu vực vịnh Vĩnh Hy, đảo Bình Hưng, đều có nơi lưu trú với giá cả phải chăng.
– Ăn: Nói chung, đồ ăn Phan Rang hơi ngọt so với khẩu vị người miền Trung như mình, nhưng cũng có nhiều món ngon để thưởng thức: bánh xèo, bánh căn, bánh canh, nem nướng, dê, cừu, cơm gà,… Hôm trước mình xin được của thổ địa Phan Rang một list những quán ăn bình dân ngon – bổ – rẻ, tham khảo tại https://diadiemninhthuan.vn/dac-san/
3. Tham quan:
Mình sẽ chia theo lịch trình từng ngày cho các bạn tiện theo dõi luôn hen.
– Ngày 1 + 2: Đi về phía Bắc của thành phố Phan Rang, lần lượt sẽ có Hòn Đỏ, Hang Rái, vườn quốc gia Núi Chúa, Vịnh Vĩnh Hy, đảo Bình Hưng, bãi biển Bình Tiên. Trên cung đường này, bạn sẽ đi ngang qua rất nhiều vườn nho, cứ ghé vào xin chủ vườn cho tham quan, người dân ở đây rất nhiệt tình, bạn không cần phải trả bất cứ một khoản phí nào cả. Nếu thích thì mua vài ký nho ủng hộ là được rồi.
+ Hòn Đỏ: chỗ này mình…không có đi.
+ Hang Rái: Vé vào cổng là 5k/người, gửi xe 5k/xe. Theo thông tin hành lang thì thời gian tới, giá vé sẽ tăng lên 20k/người. Nơi đây nằm trong khu vực vườn quốc gia Núi Chúa. Điểm nhấn của Hang Rái là bãi san hô cổ, hay được chọn làm nơi chụp ảnh cưới.
+ Núi Chúa: Nếu có thời gian, bạn có thể leo Núi Chúa, thăm…chóp Inox mới được gắn.
+ Vịnh Vĩnh Hy: Ngay vịnh có một khu resort, vào tham quan chụp hình miễn phí, lưu trú thì đương nhiên tốn phí. Ở đây, có nhiều dịch vụ như ăn uống trên bè, đi tàu đáy kính, lặn ngắm san hô,… Bản thân mình không thích Vĩnh Hy cho lắm. Nhưng trên đoạn đường từ Vĩnh Hy đến Bình Hưng, có một bãi biển rất đẹp và vắng, tha hồ tắm tiên.
+ Đảo Bình Hưng: Khá nhỏ, gần bờ. Giá vé đi tàu ra đảo là 10k/lượt/người, đem theo xe máy ra thì cũng 10k/xe. Trên đảo có nhiều bãi đá đẹp, hoang sơ, bãi trứng với toàn những viên đá tròn như trứng khủng long. Trên đảo có một hải đăng nhỏ, view chụp ảnh rất deep, nhưng mà cẩn thận có rắn lục. Vì đảo nhỏ nên bạn có thể đi bộ tham quan, ít thời gian hơn thì đi xe máy, hoặc xe điện cũng với giá 10k/người nếu nhóm đông, còn đi 1-2 người thì 50k bao nguyên xe. Trên đảo có nơi lưu trú. Các nhà bè nằm giữa đảo và đất liền bán hải sản tươi sống rất ngon và rẻ, mỗi tội nhà vệ sinh xả thẳng xuống bè, người ăn cá, cá ăn người.
+ Bãi biển Bình Tiên: Đừng bao giờ tin vào ảnh trên internet!!! Bãi biển khá dài, đang xây dựng khu du lịch gì đó, nước biển trong nhưng được dân địa phương cảnh báo là có nhiều xoáy hút, đã hút rất nhiều người, bãi cát thì dơ, rác không à.
– Ngày 3: Đi về phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang
+ Đồi cát Nam Cương: Nhỏ hơn nhiều so với đồi cát Trinh Nữ ở Bình Thuận, cũng không khai thác du lịch gì cả, nếu muốn, bạn cứ tự xách dép, bìa cac-ton, xô, chậu theo mà trượt cát thôi.
+ Làng gốm Bàu Trúc: Là làng gốm truyền thống của người Chăm, “Nắn bằng tay, xoay bằng…đít”. Gốm được tạo hình bằng tay, không sử dụng bàn xoay mà người làm gốm sẽ đi vòng quanh, tạo hình cho gốm. Sau khi tạo hình xong, cũng không cho vào lò nung, mà đem ra sân phơi cho khô, rồi chất thành đống, phủ rơm rạ lên đốt. By the way, từ đồi cát Nam Cương về Bàu Trúc có rất nhiều vườn táo trĩu quả nhé. kaka
+ Làng dệt Mỹ Nghiệp: Cũng là làng dệt truyền thống của người Chăm, sản phẩm dệt với nhiều hoa văn độc đáo.
+ Tháp Chăm Polongarai: Cụm tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, vẫn là nơi thờ tự của đồng bào Chăm trong vùng. Giá vé tham quan 15k/người, gửi xe 5k.
+ Bảo tàng và quảng trường tỉnh Ninh Thuận: Ngay trung tâm thành phố Phan Rang. Vào ban đêm, quảng trường rất nhộn nhịp với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, hàng quán ăn vặt. Bảo tàng Ninh Thuận có kiến trúc khá độc đáo, nhưng chính vì kiến trúc độc đáo đó mà không gian trưng bày…không hiệu quả, hiện vật ít.
+ Mũi Dinh: Là nơi tiếp giáp giữa Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến Mũi Dinh, bạn sẽ được một phen tập thể lực miệt mài, bao gồm đẩy xe qua sa mạc cát mênh mông, sau đó, tiếp tục đi bộ qua sa mạc cát, rồi leo bộ lên hải đăng.
– Bonus: Một điểm thú vị của Ninh Thuận là cách chăn thả cừu và dê theo kiểu du mục, có nhiều điểm để ngắm đàn cừu, đàn dê về chuồng trong ráng chiều. Mình thì mình chọn Phước Trung – Bác Ái, không những vì dê, cừu nhiều, mà còn vì những đồng cỏ rộng, thấp, giống như thảo nguyên vậy.
Cre: Thảo Nguyên Lê Bùi