Dưới cái nắng gay gắt ở thôn Văn Lâm 3, ông Sơn miệt mài ôm máy ảnh ghi lại từng khoảnh khắc để làm cầu nối cho các mạnh thường quân với hơn 5.000 người dân bị cách ly.
Con đường vào thôn vắng lặng hơn trước. Những ngày này, ngoài lực lượng chức năng làm nhiệm vụ và người đi tiếp tế ít ai đến khu cách ly. Ngoại trừ ông Trần Thanh Sơn, cựu binh 61 tuổi ở thị trấn Phước Dân, hôm nào cũng có mặt ở đây từ sớm tinh mơ đến chiều tối.
Cầu nối cho 5.000 người bị cách ly
Dáng người gầy gò, bên mình lúc nào cũng có chiếc máy ảnh để thỏa đam mê. Từ khi Văn Lâm 3 có ca nhiễm Covid-19, ông Sơn luôn có mặt tại đây để vừa chụp ảnh, vừa làm cầu nối nhận hàng hỗ trợ từ các mạnh thường quân cho hơn 5.000 người dân bị cách ly.
Cựu binh Trần Thanh Sơn (bìa phải) nói chuyện cùng các chiến sĩ gác chốt cách ly ở thôn Văn Lâm 3. Ảnh: Huỳnh Hải.
Từng công tác ở xã nên ông hiểu rất rõ làng Chăm này như lòng bàn tay. Tôi đã gọi ông ngay khi Bộ Y tế công bố Ninh Thuận có bệnh nhân nhiễm Covid-19.
“Alo, anh đang ở trụ sở Ủy ban xã Phước Nam”, ông nói to trong điện thoại. Ông kể ngay khi nghe thông báo, ông đã có mặt tại xã để chụp những việc triển khai ban đầu của công tác phòng chống dịch Covid-19 như phun thuốc khử trùng, đưa những người F1 đi cách ly.
Facebook cá nhân của cựu binh này lập hẳn album “Cuộc chiến chống em Vít 19 tuổi” để chuyển tải liên tục hình ảnh từ vùng cách ly. Những chiếc khẩu trang, chai nước rửa tay cho tới quả dưa hấu, bó rau của các mạnh thường quân đều được ông đăng lên với hình ảnh đẹp nhất. Rất nhiều nhà hảo tâm khắp nơi đã gửi tấm lòng của mình về Văn Lâm 3 thông qua tài khoản của ông.
“Bà con trong vùng cách ly còn ai chưa nhận quà thì cứ an tâm, mai sẽ nhận. Hôm nay cán bộ huyện, xã, thôn đã cố gắng hết sức. Họ không có giờ để nghỉ trưa chuyển quà, lương thực, thực phẩm và vật dụng y tế đến từng nhà. Sẽ còn nhiều đợt như thế nữa”, ông phấn khởi viết trên trang cá nhân khi những chuyến hàng đầu tiên về với người dân nơi đây.
Trang cá nhân của ông trở thành nơi người dân thôn Văn Lâm 3 nêu ra những thiếu thốn khi bị cách ly đến với các mạnh quân.
“Em chỉ chờ sữa cho con em thôi”, tài khoản Mỹ Hiền tha thiết. Ngay lập tức, nhiều người đăng ký ủng hộ sữa cho các bé. Ngày hôm sau, 40 thùng sữa được ông mua với giá khuyến mãi bằng tiền của những tấm lòng khắp nơi.
Một tuần nay, người cựu binh hoạt động không biết mệt mỏi. Vừa ở vùng dịch hỏi thăm tình hình các chiến sĩ trực, nắm bắt nhu cầu của bà con, người ta lại thấy ông phóng xe đến những đại lý mua hàng.
Có hôm, 2h sáng ông còn ra quốc lộ 1 để đón những chuyến hàng tài trợ từ khắp cả nước gửi về Văn Lâm 3. Tờ mờ sáng, ông lại chở cả núi đồ trên xe máy đến trụ sở UBND xã.
Chung tay vì Văn Lâm 3
Cựu binh này cho biết Văn Lâm 3 là thôn của đồng bào Chăm có hơn 900 hộ với hơn 5.000 khẩu. Người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ nông nghiệp, thu nhập chính là chăn nuôi và trồng trọt. Cả làng làm lúa thì “ăn nước trời”, nếu năm nào trời mưa nhiều thì làm ruộng được, còn không mưa như năm nay thì cánh đồng trống trơn, đất vàng chạch gốc rạ.
“Biệt phủ Núi Xanh”, nói ông Sơn tự cách ly khi về nhà. Ảnh: Núi Xanh.
Hơn một năm nay trời không mưa, vết nứt nẻ trên ruộng mỗi ngày một rộng hơn. Cánh đồng như chết từ chân làng cho tới ngút tầm mắt. Người dân nơi đây thường chăn bò, dê theo kiểu du mục ở chân núi. Nhưng hạn hán khiến núi không có nước. Gia súc được đưa về gần làng, nơi đây có nước thì lại không có cỏ. Bò đành ăn rơm khô lay lắt chờ mùa mưa.
Người dân Văn Lâm 3 đang đánh vật với hạn hán thì bỗng nhiên lại phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Hai bệnh nhân đã nhiễm SARA-CoV-2 sau chuyến đi dự lễ hội tôn giáo ở Malaysia.
“Văn Lâm 3 bỗng nhiên được nhiều người biết vì có người mắc đại dịch toàn cầu Covid-19, bệnh nhân 61 rồi 67… Tai họa ập xuống làng thật bất ngờ”, ông viết.
Cựu binh này tâm sự trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau, nào kể dân tộc, tôn giáo, địa chỉ. Chúng ta chung một chiếc thuyền, chung một mối lo. Xin yêu thương và đừng phán xét những gì ở đây.
Ông kêu gọi bạn bè có điều kiện chung tay hỗ trợ các nhu yếu phẩm, mì gói hoặc kinh phí để mua các thứ ấy. “Chung tay vì Văn Lâm 3, một xã nghèo trong một huyện nghèo của một tỉnh nghèo”, ông nói.
Ông Sơn kể về rất nhiều tấm lòng của người dân khắp nơi đã hướng về Văn Lâm 3. Cô bé nhà ở Phước Đồng sáng sớm đã liên hệ muốn ủng hộ rau rồi hai chú cháu cùng chuyển 60 kg bắp xú và rau thơm vào cho người dân Người bạn đi cùng gặp 2 gánh rau cũng mua luôn, nhờ chở vào Văn Lâm 3.
Ông nhẩm tính các mạnh thường quân đã gửi sữa, nhu yếu phẩm hơn 22 triệu đồng. Mua sắm trang thiết bị y tế cũng khoảng 25 triệu. Ngoài ra, thông qua ông, hơn 2.000 khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng, trái cây, mì tôm, rau củ được chuyển đến cho người dân Văn Lâm 3.
Những ngày qua ông thường xuyên đến vùng dịch, tiếp xúc với nhiều người nên ông cũng tự cách ly khi về nhà. Một cái chòi giữa cánh đồng lộng gió bên cạnh nghĩa trang Bầu Lầu thuộc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) mà ông đặt là “Biệt phủ Núi Xanh”.
“Có mỗi thân già này, cố gắng giúp được gì cho mọi người thì làm, tối về gọi điện nói chuyện với cháu nội xong ngủ lấy sức mai chiến đấu. Chỉ phiền mỗi chuyện là ‘biệt phủ’ hơi nhiều muỗi”, cựu binh cười sảng khoái.
Ninh Thuận có 2 ca nhiễm Covid-19 là bệnh nhân 61 và 67, hai người này sang Malaysia dự lễ hội tôn giáo và trở về địa phương ngày 4/3. CDC Ninh Thuận cho biết đã lấy 131 mẫu bệnh phẩm liên quan đến hai bệnh nhân trên đưa đi xét nghiệm, tất cả cho kết quả âm tính với Covid-19.
Còn ông Sơn nhập ngũ năm 1978, Tiểu đội trưởng Sư đoàn 860, Quân khu V. Ông từng giữ chức Phó chủ tịch HĐND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
Theo lãnh đạo địa phương, tính đến ngày 23/3, xã đã nhận được 24 tấn gạo, 1.900 thùng mì, 12.000 cái khẩu trang, 2.300 chai nước rửa tay diệt khuẩn, 2.500 chai nước mắm, 9 tấn rau củ và hơn 500 kg cá các loại. Ngoài ra, còn rất nhiều mặt hàng khác đã được chuyển tới người dân trong khu cách ly.
Nguồn: https://news.zing.vn/nguoi-cuu-binh-o-vung-dich-van-lam-3-post1063028.html