Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “Thần” – những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Hình tượng các vị thần linh đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Nói đến Ninh Thuận, một trong những tỉnh ở Việt Nam có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống thì sẽ có những bản sắc, tập quán riêng và ngoài ra còn có những lễ hội truyền thống mang đậm bản chất dân tộc. Nếu bạn là khách du lịch đến thăm Ninh Thuận thì không nên bỏ qua những lễ hội đặc sắc tại đây.
1.Lễ hội Kate:
Katê là lễ hội của người Chăm Bà la môn. Qua biến thiên lịch sử, nhất là chủ trương hòa hợp, Katê đã trở thành lễ hội chung và là lễ lớn nhất. Là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của người Chăm, là tấm gương phản chiếu sinh hoạt của cộng đồng, nơi hội tụ những giá trị tinh hoa văn hoá của cả dân tộc.
Cứ đến tháng 7 lịch Chăm (khoảng tháng 10 dương lịch) hàng năm, người Chăm Bà La Môn lại nô nức chuẩn bị đón mừng lễ hội Kate. Lễ hội Kate diễn ra ở 3 khu vực đền tháp chính của tỉnh Ninh Thuận. Đó là đền Po Ina Nagar ở Hữu Đức – Ninh Phước; Tháp Po Klaong Garay ở Đô Vinh – thành phố Phan Rang; Tháp Chàm và tháp Po Rome ở Hậu Sanh – Ninh Phước trong các ngày 3, 4 và 5 tháng 10.
2. Lễ Puis:
Lễ rước y trang Nữ thần Pô Inư Nưgar-là loại lễ nghi của tộc họ cúng để trả lễ và thết đãi thần linh (Jiư muk key) – cụ thể là lễ tế thần Po Rame. Lễ này thường được tổ chức theo định kỳ 1 năm, 2 năm hoặc 7 năm một lần khi tộc họ làm ăn được mùa, phát đạt con cháu sum họp.
Lễ Puis được tổ chức phổ biến trong tộc họ thuộc các làng thờ tháp Po Rame như Hậu sanh, Mỹ Nghiệp, Vĩnh Thuận, Vụ Bổn, Hiếu Thiện (Ninh Thuận)… Còn các tộc họ khác thờ cúng thuộc khu vực tháp Po Klaung Garai (Đô Vinh – Ninh Thuận) thì làm lễ cúng Payak. Tục lễ ấy đã có từ xưa đến nay và đã trở thành phong tục, tín ngưỡng của tộc họ. Cứ như thế khi đến chu kỳ cúng lễ hàng năm thì tộc họ phải thực hiện những lễ cúng trên.
Thông thường thì lễ Puis thực hiện được bất cứ tháng nào trong năm và phải là ngày chẳn trong tháng 3, 4, 5 trừ tháng 11 và 12 (bilan Puis, mak). Vì hai tháng này người Chăm thường cử hành lễ đăng quan, tiến chức cho các vị vua chúa cho nên phải kiêng cữ.
3. Lễ Payak:
Lễ payak do các tộc thuộc các làng Chăm thờ tháp Po Klaung Garai thực hiện như: làng Phước Đồng, Chất Thường, Hiếu Lễ, Hoài Trung (Ninh Phước – Ninh Thuận)…Hành lễ Payak cũng tương tự như lễ Puis là do thầy Kadhar và bà bóng thực hiện.
Lễ này chỉ khác ở chỗ là khi thầy Kadhar kéo đàn Rabap hát mời vị thần Siva thì bà bóng thực hiện nghi lễ “thả ba hạt gạo trôi trong lọ nước”, rồi bà bóng đợi cho đến khi 3 hạt gạo trôi đến gần nhau thì dùng lá trầu vớt 3 hạt gạo lên. Đó là điềm báo tộc họ này sum họp, làm ăn thịnh vượng, may mắn. Sau đó họ làm lễ thết đãi cơm, rượu cần như lễ Puis vừa nêu trên.
4. Lễ hội Ramưwan:
Vào các ngày 29, 30 tháng Tư và 01 tháng 5 theo Chăm lịch, người Chăm theo Hồi giáo ở Ninh Thuận đón tết Ramưwan theo phong tục truyền thống; tương tự như ngày tết Katê của người Chăm theo đạo Bà la môn. Lễ tảo mộ là hoạt động khởi đầu Ramưwan, tất cả các tộc họ ở các làng Chăm Bàni và Islam đều đi tảo mộ. Mọi gia đình sum họp, cùng tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, cùng nhau đi tảo mộ và chay niệm tại các thánh đường Hồi giáo… một lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo (Bà Ni).
Lễ Ramưwan của người Chăm Bà ni gồm có 3 phần: lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên và lễ chay niệm tại thánh đường.
5. Lễ hội cầu Ngư – múa siêu:
Lễ hội Cầu ngư là nét đẹp văn hóa của ngư dân nhiều địa phương vùng biển, vốn có truyền thống trên trăm năm rồi. Tuy nhiên hình thức tổ chức mỗi nơi không hoàn toàn giống nhau. Tại Đông Hải (TP. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận), cứ ba năm một lần, giữ theo lệ thường, vào các ngày 20 và 23 tháng 5 âm lịch, ngư dân lại tổ chức lễ hội tại Lăng Ông.
Lễ hội Cầu ngư mang ý nghĩa là cầu mong thời tiết thuận lợi, ngư dân đánh bắt được nhiều hải sản để có cuộc sống ấm no. Nó còn là sự bày tỏ lòng tri ân của ngư dân với biển cả như nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng họ. Và cũng nhân đó mà nhiều ngư dân nhận thức rõ hơn về mối tương quan cực kỳ gắn bó với nguồn lợi hải sản, để rồi có cách ứng xử thích hợp, hài hòa với việc khai thác.
Cũng như nhiều nơi khác, Lễ hội Cầu ngư tại Đông Hải còn là một dịp cho những hình thức nghệ thuật như hát tuồng, hát bả trạo có đất diễn, góp phần bảo tồn nền văn hóa mang bản sắc dân tộc không bị mai một. Qua đó giúp cho giới hậu sinh hiểu được những điều hay về thời cha ông cũng như cảm được những nét đẹp mang tính nhân văn của người xưa đã gửi gắm trong các tuồng tích. Nhưng đáng lưu ý nhất, ngoài các mục tế, hát tuồng, hát bả trạo, đua thuyền…(giống như nhiều địa phương khác mỗi khi tổ chức), Lễ hội Cầu ngư Đông Hải còn mang thêm một nét đặc biệt, chính là phần mua siêu. Phần này hết sức lôi cuốn, với nội dung là biểu diễn bài võ Siêu Đao tuyệt kỷ trong thời gian gần hai giờ. Bài võ Siêu Đao, dân trong vùng quen gọi bằng Siêu Ông, được trình bày bởi bốn võ sĩ mặc võ phục oai phong như bốn mãnh tướng múa bốn cây đại đao, cùng hai mươi bốn võ sinh cầm trường côn (tượng trưng cho đội hùng binh) mặc trang phục cổ. Chưa kể một vị Tổng tràng điều khiển bằng những hồi trống giục giòn giã.