Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 họp sáng 15-4 – Ảnh: CHÍNH PHỦ
Trong cuộc họp sáng 15-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã bàn thảo và thống nhất kiến nghị Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh.
Trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước và trên thế giới, Ban chỉ đạo đánh giá nhờ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chúng ta vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới sẽ còn kéo dài. Ở trong nước, diễn biến dịch bệnh và điều kiện giữa các địa phương cũng khác nhau. Do đó chúng ta không thể “đánh xong một trận rồi về đi cày” mà phải “vững tay cày, chắc tay súng”.
Vì vậy cần phải tiếp tục thực hiện tốt “hai mũi giáp công” là vừa chống dịch, vừa phải bảo đảm cuộc sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch bệnh.
Theo đó, Ban chỉ đạo thống nhất kiến nghị Thủ tướng, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
Tuy nhiên, sẽ phân loại mức độ nguy cơ dịch bệnh các địa phương thành 3 nhóm (nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp), dựa trên các tiêu chí đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Các tiêu chí như có đầu mối giao thông, mật độ di chuyển, đi lại lớn; có biên giới, nhiều người qua lại biên giới; những điểm trước đây có tiếp xúc rất nhiều với người nước ngoài; mật độ dân cư; mật độ các nhà máy, khu công nghiệp tập trung…
Hoặc nhóm tiêu chí liên quan đến năng lực ứng phó của cấp ủy, chính quyền khi có ca bệnh, năng lực kiểm soát việc thực hiện các chỉ đạo, chỉ thị, khuyến nghị về phòng chống dịch bệnh COVID-19 từ trước đến nay.
Đối với những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm ‘nguy cơ cao’, Ban chỉ đạo kiến nghị tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly xã hội như quy định trong Chỉ thị 16 thêm ít nhất một tuần.
Ban chỉ đạo cũng thống nhất sẽ đưa ra những yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các tỉnh trong cả nước phải thực hiện nghiêm chỉnh như: đeo khẩu trang, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, bảo đảm vệ sinh dịch tễ… Một số loại hình dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí chưa được phép hoạt động.
Tùy theo điều kiện và mức độ đánh giá nguy cơ của từng địa phương, lãnh đạo tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm quy định các biện pháp bổ sung để vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, trong trường hợp thật cần thiết, sẽ được tổ chức theo các hướng dẫn về giám sát y tế để bảo đảm an toàn.
Những địa phương có “nguy cơ” và “nguy cơ thấp”, một số hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động có điều kiện trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ…
Đối với hoạt động đi lại, sẽ tùy vào mức độ, nguy cơ từng địa phương sẽ có giới hạn cụ thể. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đưa ra quy định chi tiết. Tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc trích xuất camera để tiến hành xử phạt nguội.
Nguồn Báo: https://tuoitre.vn/kien-nghi-cac-dia-phuong-nam-trong-nhom-nguy-co-cao-tiep-tuc-cach-ly-them-it-nhat-1-tuan-20200415125352395.htm
Theo đó, đã chia các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng. Đối với nhóm 11 tỉnh thành có nguy cơ cao gồm: (1) Hà Nội, (2) Lào Cai; (3) Quảng Ninh, (4) Lạng Sơn; (5) Bắc Ninh; (6) Ninh Bình ; (6) Đà Nẵng; (7) Quảng Nam; (8) Bình Thuận; (9) Khánh Hoà; (10) TP Hồ Chí Minh; (11) Tây Ninh.
Với nhóm có nguy cơ gồm 12 tỉnh thành là: (1) Thái Nguyên; (2) Nam Định; (3) Hà Nam; (4) Nghệ An; (5) Hà Tĩnh; (6) Thừa Thiên Huế; (7) Đồng Nai; (8) Bình Dương; (9) Cần Thơ; (10) Sóc Trăng; (11) Kiên Giang; (12) Hải Phòng.
Các tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.